Đám cưới ‘nổi loạn’ giữa đồng hoang


Đêm khuya giữa cánh đồng hoang, chú rể diện bộ áo dài khăn đóng, tay cầm thanh kiếm, cưỡi xe máy đến rước cô dâu trong một lễ cưới hoang dã “từ bỏ truyền thống”, diễn ra cuối tuần qua tại quận 2, TP HCM

Toàn bộ khách mời trong hôn lễ chỉ vỏn vẹn 150 người bạn thân của cô dâu chú rể thuộc nhóm “Khoan cắt bê tông” có thành viên là các nghệ sĩ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các thành viên, nhóm có quan điểm sống là từ bỏ các giá trị ràng buộc mang tính truyền thống để hướng tới lối sống tự do phóng khoáng. Nhóm có hơn 1.000 thành viên, phần lớn là người Việt Nam. Đọc tiếp »

‘Chưa có cơ sở khoa học là xe máy gây ùn tắc’


“Quyết định cấm xe đạp rồi đến xe máy là sai lầm lớn nhất ở Trung Quốc. Tại Hà Nội, chỉ cần ra đường vào giờ cao điểm sẽ thấy xe máy không phải là nguyên nhân gây ùn tắc”, TS Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải trao đổi với VnExpress.

– Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao UBND TP Hà Nội và TP HCM phối hợp với các bộ, ngành liên quan thí điểm ngay việc hạn chế hoặc cấm môtô, xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến phố trong đô thị. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

– Tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân giúp giảm ùn tắc giao thông. Nhưng để đảm bảo mục tiêu này, diện tích sử dụng và năng lực cung ứng cơ sở hạ tầng giao thông trong các đô thị lớn phải cân bằng. Nếu chúng ta hạn chế môtô, xe máy thì phải có phương thức giao thông vận tải nào đấy thay thế một cách phù hợp.

Ví dụ, khu vực hạn chế hoặc cấm phương tiện phải có đủ năng lực vận tải công cộng, và điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng phương tiện phi cơ giới như xe đạp và đi bộ. Khi đảm bảo điều kiện đó, có thể hạn chế hoặc cấm sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân. Đọc tiếp »

Sống thử, hậu quả thật


Mặc cho những câu chuyện đau lòng của “sống thử” đang diễn ra trước mắt, nhiều nữ SV vẫn không thể rút chân ra.

Tập làm vợ chồng

Các xóm trọ ở Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng không thiếu những mô hình “hộ SV”. Gia đình không quản lý cùng với đời sống xa nhà đã khiến nhiều “hộ SV” rơi vào trình trạng dở khóc dở cười.

Sau 2 năm học Tin học tại TP Đà Nẵng, SV Trần Thị Lâm Oanh góp gạo thổi cơm chung với Hải Đăng (SV năm cuối ĐH Bách khoa Đà Nẵng) trên đường Phạm Như Xương (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) để tiết kiệm trong mùa bão giá.

So với bạn bè cùng trang lứa, Oanh già dặn hơn hẳn. Vừa tan buổi học, Oanh vội về đi chợ, nấu nướng, tính toán chi li như một cô vợ đảm đang. Oanh còn khoe những món ăn tốt cho sức khỏe “vợ chồng” khiến lũ bạn được một phen cười vỡ bụng.

Một ngày, dân xóm trọ len lỏi trong hẻm sâu tổ 36 P.Hòa Khánh Nam thấy SV Đặng Khánh Nam (quê Hà Tĩnh) dẫn bạn gái xinh xắn về phòng trọ chơi. Được vài hôm, Nam chuyển đồ đạc của cô bạn về ở hẳn như vợ chồng. “Hộ SV” này vô tư “yêu”, không che rèm cửa khiến hàng xóm “đỏ mắt”.

Anh Nguyễn Quang Trung – công nhân cơ khí KCN Hòa Khánh cho biết: “Mỗi lần đi qua không dám nhìn vào, người lớn không nói làm gì nhưng bọn trẻ con quanh đây thỉnh thoảng lại chạy vào nhìn trộm rồi cười ré lên khiến dãy trọ nóng cả mặt”.

Một chủ trọ có 2 dãy phòng khá khuất sau lưng ĐH Sư phạm nói: “Bọn nó có xảy ra chuyện gì chủ trọ sao can thiệp được, mình chỉ là người cho thuê phòng chứ đâu phải ba mẹ nó mà quản. Chỉ cần nộp tiền nhà đúng ngày là được”.

Đã có thời, tình yêu của SV Thanh Huy (TP Huế) với Ngọc Phương (Quảng Ngãi) được bạn bè ngưỡng mộ bởi sự mẫu mực giúp nhau cùng tiến bộ. Khởi đầu từ hệ trung cấp chuyên nghiệp, yêu nhau vài năm, cả hai cùng học tiếp cao đẳng, dự định học liên thông ĐH Kinh tế và ĐH Bách khoa Đà Nẵng xong mới tính đến chuyện cưới xin.

Xác định đến với nhau lâu dài, cả hai tìm phòng sống chung mặc cho bạn bè can ngăn. “Bọn mình không sống thử mà là sống thật. Đây là cuộc sống tiền hôn nhân, tích lũy kinh nghiệm để sau này sống với nhau tốt hơn. Cưới hỏi chẳng qua chỉ là một hình thức, một thủ tục” – Huy nói.

Othello hiện đại

Tuy nhiên, ở chung lại sinh ra nhiều mâu thuẫn từ khác biệt trong lối sống của mỗi người trong khi không phải ai cũng đủ bản lĩnh để điều chỉnh bản thân và thay đổi người còn lại.

Mâu thuẫn bắt đầu từ chuyện “kẻ thích ăn ớt, người ghét ăn cay”, rồi đến sự bừa bộn trong sinh hoạt. Từ chỗ chiều chuộng, Huy xem việc Phương “phục vụ” mình là điều tất nhiên của cuộc sống “vợ chồng”. Dù Phương đã cố chịu đựng và tìm mọi cách dung hòa nhưng dãy trọ vẫn nhiều phen hốt hoảng bởi tiếng chửi bới, khóc lóc từ “gia đình” này.

Phương còn bị quản lý điện thoại gắt gao, nếu trong tin nhắn hay nhật ký cuộc gọi liên quan đến nam giới thì Huy mắng nhiếc thậm tệ. Sau giờ học, Huy chở Phương đến nhà hàng làm thêm rồi ngồi chờ cho đến lúc tan ca. 6 tháng ở chung, cả hai chuyển phòng trọ đến 3 lần cũng vì thường xuyên cãi nhau, chủ trọ đuổi đi. Tình cảm cứ thế mà xuống cấp dần.

Sau khi dọn về ở chung, bạn bè của Lâm Oanh đặt tên cho “chồng” của nữ SV này là Othello – một nhân vật nam vì ghen tuông mù quáng đã giết chết vợ trong vở bi kịch cùng tên của Shakespeare. Sợ cơn ghen của “chồng”, Oanh không dám nói chuyện với bạn nam cùng lớp, thậm chí đi chợ cũng phải chọn chủ hàng là nữ nếu không muốn bị cằn nhằn.

Thua cá độ, Hải Đăng “giải sầu” bằng cách “giận cá chém thớt” đánh Oanh liên tục. Bạn bè khuyên răn thì Oanh chống chế: “Những lúc bình thường tao hạnh phúc lắm. Anh ấy yêu tao nên mới vậy. Có yêu thì mới có ghen”.

Chỉ sau khi nhỏ bạn thân của Oanh bị anh chàng Othello giật tóc, tát tới tấp trong lúc đang khuyên can hai người thì Oanh mới tỉnh ngộ. Oanh bỏ đi và trốn chui lủi ở nhà bạn bè bởi anh “chồng” thuê người truy tìm khiến không ai dám bênh vực Oanh. Cùng đường, Oanh bỏ học vào Nam sống cùng chị họ.

Dù đã xác định đến với nhau, nhưng kết cục của cặp đôi Trần Văn Đạt và Trần Thanh Mỹ cũng khiến bạn bè ngao ngán. Ở chung một thời gian trên đường Nam Cao, Mỹ có bầu khi mới 19 tuổi. Cả hai đều giấu gia đình, Mỹ đành bảo lưu kết quả 1 năm, còn Đạt thì vừa học vừa làm thêm kiếm tiền để chăm lo cho thành viên mới.

Nguyễn Tú – Đỗ Anh

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

(vn.news.yahoo.com)

Vì sao cảnh cướp bóc không xảy ra trong thảm họa ở Nhật?


Tài sản cá nhân được tôn trọng ngay khi thảm họa đang thảm khốc – Ảnh: Telegraph

TTO – Từng làm cả thế giới phải trầm trồ thán phục về cuộc “Minh Trị duy tân” hay những bước tiến thần kỳ kể từ sau Thế chiến thứ 2, giờ đây Nhật Bản lại khiến người ta ngạc nhiên về tính kỷ luật phi thường, bất chấp cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần.

Trước tiên là thảm họa xảy ra, sau đó là hôi của – một diễn biến đã trở nên quá quen thuộc trong những thảm họa gần đây. Trong trận lụt ở phía tây nước Anh năm 2007, những kẻ hôi của đã đập vỡ cửa kính của những xe hơi bị bỏ lại và cướp giật những chai nước uống cứu trợ.

Tại New Orleans năm 2005, Chính phủ Mỹ đã phải đưa quân đội tới để giải quyết cảnh hỗn loạn trong thành phố – các vụ đọ súng, cướp của diễn ra thường xuyên đến độ người ta đã không cho những người tình nguyện đến hỗ trợ vì quá nguy hiểm.

Còn ở Haiti, cho đến bây giờ người ta vẫn còn ghi nhận các vụ hãm hiếp và cướp bóc tại những khu vực đổ nát mà chính phủ chưa thể dọn dẹp, một năm sau khi động đất xảy ra.

Thế nhưng tại Nhật Bản, không có ai bất chợt “để mắt” đến những đống đổ nát dù tình hình thật sự tuyệt vọng.

Tại tỉnh Miyagi – một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất, người dân đang trải qua cảnh thiếu thốn lương thực và nước uống.

“Đường ống gas và nước đã ngừng hoạt động ở Miyagi và thành phố Sendai. Ở vài nơi thì điện cũng không có – một nhân viên cứu hộ nói với RIA Novosti – nhưng không có cảnh hoảng loạn trên đường phố và cửa hàng”.

CNN ghi lại cảnh người dân đứng xếp hàng trật tự bên ngoài những cửa hàng không còn cửa chính cũng như cửa sổ do bị trận động đất tàn phá.

Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.

Không hề có tình trạng đầu cơ – các siêu thị giảm giá và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người – tất cả cùng đoàn kết để tồn tại, tờ Telegraph ghi nhận.

“Hiện tượng” này đang gây ngạc nhiên khắp thế giới. Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờTelegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Trang web tìm kiếm Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.

“Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” – ông Ed West viết trên tờ Telegraph.

Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi đã phải thốt lên: “Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao?”.

Tinh thần tập thể cao độ

“Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này” – Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.

Giáo sư Pflugfelder, người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm họa, kể với CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ nền văn hóa Nhật Bản, theo ông Pflugfelder, bởi mỗi người Nhật Bản đều cảm thấy mình có trách nhiệm trước hết là đối với xã hội. Nền tảng văn hóa Nhật, theo ông, được xoay quanh một tinh thần cộng đồng cao độ, “có vẻ như được phát huy còn tốt hơn ngay cả khi có thảm họa”.

“Người Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” – ông Pflugfelder phân tích.

Mặt khác, CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”.

Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston (Mỹ), nói hôi của xuất phát từ sự phân hóa xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Xã hội Nhật Bản không phải là không có hiện tượng đó, tuy nhiên “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật”.

Tôn giáo

Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật giáo, và theo như giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco, người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

“Khi gặp sự việc tính cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo”, theo ông Nelson.

Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.

“Đối với người Nhật, quan trọng nhất là phản ứng một cách tích cực và kiên trì mỗi khi đối mặt với khó khăn, điều đó phản ánh qua tôn giáo của họ” – giáo sư Bocking thuộc Đại học Cork nói với CNN.

XUÂN TÙNG

 

Người có 39 vợ, 94 con


Ziona Chana, người đàn ông sống tại ngôi làng Baktwang (bang Mizoram, Ấn Độ) được dân làng tôn vinh là “quý ông may mắn nhất trái đất” vì ông có một đại gia đình khổng lồ gồm 39 bà vợ, 94 đứa con cùng 33 đứa cháu.

Theo Daily Mail, gia đình 181 người của Ziona Chana cùng sống trong một tòa nhà 4 tầng, 100 phòng, được thiết kế như ký túc xá, kê nhiều giường dành cho các bà vợ và những đứa con.

Đại gia đình khổng lồ của Ziona Chana – Ảnh: Barcroft India

Để quản lý được số lượng đông đảo các thành viên trong nhà, ông Ziona Chana đưa ra một loạt các quy định sinh hoạt chặt chẽ, xây dựng trên nguyên tắc “yêu thương và tôn trọng lẫn nhau”, bắt buộc mọi người phải tuân thủ.

Ví như bà vợ cả sẽ nắm quyền quán xuyến, phân công việc nhà như lau chùi, giặt rửa, chuẩn bị bữa ăn… cho 38 bà vợ còn lại.

Hay như nguyên tắc phân chia phòng ở cho các bà vợ: những bà trẻ nhất sẽ được ở phòng gần phòng Ziona Chana hơn những bà vợ già. Việc bà nào, ngày nào được “ghé thăm” phòng của Ziona Chana cũng được ông lên lịch rõ ràng.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất đối với đại gia đình Ziona Chana có lẽ nằm ở khoản tiền sinh hoạt phí hằng tháng. Một bữa tối đơn giản thường ngày của gia đình này tiêu tốn khoảng 60kg khoai tây, hơn 90kg gạo, 30 con gà…

Được biết, lý do đặc biệt mà Ziona Chana may mắn có số lượng vợ đông kỷ lục như vậy là vì ông từng được bầu chọn là người đàn ông đẹp trai nhất trong làng, theo lời một trong số 39 bà vợ của Ziona Chana nói với The Sun.

Ngoài ra, Ziona Chana cũng là thủ lĩnh đứng đầu một giáo phái cho phép các tín đồ được cưới vợ nhiều như họ mong muốn. Bản thân ông Ziona Chana cũng từng có năm cưới liên tục 10 người phụ nữ về làm vợ.

Tuy nhiên, Ziona Chana chưa có ý định kết thúc “sự nghiệp cưới vợ” của mình ở con số 39. Ông vẫn đang tìm kiếm những người vợ mới, thậm chí sẵn sàng sang Mỹ lấy vợ nếu cần thiết.

Phạm Hải (nguồn)

Hoa sen được chọn làm Quốc hoa


Ngày 29/1/2011, lễ công bố kết quả bình chọn quốc hoa sẽ diễn ra tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Trước đó, từ ngày 21/4/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban Biên soạn đề án “quốc hoa” Việt Nam. Tháng 6/2010, Hội thảo về Quốc hoa đã được tổ chức và nhiều người dân Việt Nam đã rất nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến.

Kết quả thăm dò ý kiến lựa chọn “quốc hoa” qua mạng internet được thống kê cho thấy, hoa sen có số bình chọn cao nhất, chiếm tới 40,3%; tiếp đó là hoa mai 33,6%, hoa đào 8,2%, cây tre 9,5%, hoa cau 1,8%, hoa ban 1,2%…

Trên cơ sở đó,  tại Lễ hội hoa Xuân và đồ uống Tết năm 2011 diễn ra từ ngày 25-30/1 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, ban tổ chức tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về “quốc hoa” thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu trực quan sẽ đưa hoa sen là đề cử “quốc hoa” của Việt Nam.

Triển lãm hoa sen được trưng bày với nhiều nội dung phong phú: Hoa sen trong tâm linh văn hóa, hoa sen trong mỹ thuật truyền thống, triển lãm ảnh “Sen Việt,” hoa sen qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, thợ thủ công, hoa sen với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu trưng bày hoa sen được tạo dựng hồ sen, đầm sen, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ hoa sen và giới thiệu về công dụng của sen trong văn hóa ẩm thực với các sản phẩm đã rất quen thuộc: trà sen, mứt sen, chè sen…

Bên cạnh đó, để khởi động triển khai xây dựng đề án lựa chọn “quốc phục” Việt Nam, ban tổ chức triển lãm tập trung giới thiệu một số hình ảnh, tư liệu về triều phục các thời Lý-Trần-Lê, lễ phục vua quan triều Nguyễn, trang phục, lễ phục sử dụng tại Hội nghị APEC, ASEAN và Lễ hội đền Hùng.

Về “quốc tửu,” ban tổ chức trưng bày các thương hiệu đạt giải rượu ngon tại các kỳ liên hoan tuyển chọn rượu liên tục trong 3 năm: 2007, 2008, 2009 của 2 dòng rượu công nghiệp và truyền thống. Đây là cơ sở để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đề án, quy chế tuyển chọn, Hội đồng Thẩm định với sự tham gia của các cơ quan hữu quan để tuyển chọn “quốc tửu” Việt Nam.

Người dân đến tham quan triển lãm và đóng góp ý kiến trong việc lựa chọn “quốc hoa,” “quốc phục” và “quốc tửu” thông qua mạng máy tính, website và phiếu bình chọn.

Dựa trên những ý kiến đóng góp, ban tổ chức sẽ  xây dựng đề án, quy chế tuyển chọn, thành lập Hội đồng thẩm định, tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến người nhân dân để lựa chọn “quốc phục” và “quốc tửu” Việt Nam.

 

(Theo TTXVN, Tuổi trẻ)

Cảnh giác với mực khô “cao su”


Ngày 30.10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hải Phòng tiến hành tiêu hủy hơn một tấn mực khô xé “không phải là mực tự nhiên”. Điều này chứng tỏ những thông tin nghi vấn về “mực cao su, mực xenlulo”… là có cơ sở.

Tiếp theo thông tin từ cơ quan chức năng, ngay trong ngày hôm qua PV Thanh Niên dạo một vòng các chợ lớn trên địa bàn TP Hải Phòng. Tại chợ Ga (Q.Ngô Quyền), bà Minh, chủ sạp hàng chuyên kinh doanh hải sản khô, cho biết từ khoảng tháng 8.2009, mực “khô xé” ồ ạt tràn về Hải Phòng. “Một số chủ hàng mời tôi với giá có 80.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/4 mực khô nguyên con tôi vẫn nhập. Thế nhưng tôi không dám lấy, vì hàng không biết chất lượng thế nào mà lại rẻ thế. Từ nhiều năm nay tôi bán cho khách quen, nhỡ họ ăn vào đau bụng thì mình mất uy tín”. Bà Minh chỉ chúng tôi ra đằng sau chợ Sắt, khu vực đó muốn mua bao nhiêu mực khô xé cũng có.

Mua bao nhiêu cũng có

Khi tìm đến khu vực sau chợ Sắt, cạnh Bến xe Tam Bạc, chúng tôi thấy loại mực này đựng trong túi ni-lon không nhãn mác, bày bán trên nhiều sạp hàng. Vừa dừng xe hỏi mua vài cân mực xé về bán kèm với bia hơi, bà chủ hàng tên C. nhanh chóng đưa ra một túi mực khô xé sẵn với lời giới thiệu: “Mực khô xịn, có xuất xứ từ miền Nam, ăn ngọt, thơm và rất tiện là ăn ngay không phải nướng. Giá 200.000 đồng nửa kg”. Chúng tôi đòi giảm giá, bà chủ chốt: “100.000 đồng nửa kg, không nói nhiều”.

Tại chợ Đổ (Q.Hồng Bàng), chợ Lương Văn Can (Q.Ngô Quyền)… chúng tôi cũng thấy loại mực này được bày bán với giá đưa ra từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Chị H., một tiểu thương chuyên kinh doanh tôm, cá, mực khô tại chợ Trần Quang Khải tiết lộ chị không dám buôn mặt hàng mực khô xé dù lời rất nhiều (mua vào chỉ 70 – 80 ngàn đồng nhưng bán lãi gấp 2-3 lần) vì sợ người tiêu dùng ăn sinh bệnh. “Mực đó là mực từ Trung Quốc mang về, không biết họ làm bằng gì mà rẻ đến thế. Hiện nay, mực khô nguyên con từ Cát Bà lấy vào đã 400.000 đồng/kg, mực Đồ Sơn cũng 300.000 đồng/kg nhưng mực xé lại chỉ có 100.000 đồng/kg là hoàn toàn vô lý. Nhiều người bảo đó là mực làm từ bã sắn dây, xenlulo, nhưng không biết có phải không?”, chị H. nói nhỏ.

“Chưa biết làm bằng chất gì”

Trả lời PV Thanh Niên chiều qua, lãnh đạo Đội 1, Chi cục QLTT TP Hải Phòng, xác nhận loại mực khô xé có nguồn gốc từ bên kia biên giới hiện đang được tiêu thụ tại một số chợ trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, để phát hiện, bắt giữ loại hàng hóa này, lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn vì một số tiểu thương thấy lời nhiều nên không hợp tác. Mặt khác, nếu có bắt được hàng tại sạp ở chợ thì số lượng cũng không đáng là bao vì họ thường lấy chỉ vài chục cân, bán hết mới lấy tiếp.

Chúng tôi mua 1 kg mực xé tại chợ Sắt với giá 200.000 đồng đem về ăn thử thấy mực khá dai, lúc đầu có vị ngọt nhưng sau nhạt thếch và tan ra như… bột! Đốt thử thì thấy đúng như lời bà Sắn nói: mực cháy thành than và khét như đốt vải vụn!

Đội 1 QLTT chủ yếu tăng cường trinh sát để bắt hàng trên đường lưu thông. Đơn cử, lô hàng hơn 1 tấn mực khô vừa được tiêu hủy ngày 30.10 được trinh sát phát hiện vào tháng 4.2010. Qua công tác nắm cơ sở, QLTT biết một số xe ôm lần lượt vận chuyển từng bao hàng tuồn vào gầm xe khách BKS 37S-3961 đang đậu tại địa phận Hải Phòng, do Nguyễn Trung Thành (ở TP Vinh, Nghệ An) là chủ xe. Chờ đến khi các đối tượng tập kết đủ hàng, lực lượng QLTT mới kiểm tra, bắt giữ. Qua kiểm tra phát hiện có 13 bao chứa mực khô xé (80 kg/bao) tương đương 1.040 kg. Chủ xe khai chỉ biết giao dịch vận chuyển thông qua xe ôm chứ không biết chủ hàng.

Ngày 21.4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hải Phòng) lấy mẫu mực xé vừa bị thu giữ gửi đến Hà Nội giám định. Ngày 12.5, kết quả giám định cho thấy loại mực khô xé trong lô hàng trên không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng của mực khô theo bảng thành phần thực phẩm VN của Viện Dinh dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Sắn, Phó trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng, cho biết: “Chúng tôi được cơ quan chuyên môn trả lời mẫu giám định mực khô xé mà chúng tôi thu giữ không phải là mực khô tự nhiên. Chúng tôi cũng chưa biết loại mực xé đó được làm từ chất gì, bởi lẽ cơ quan giám định giải thích muốn biết điều này phải cần kinh phí lớn và có thêm nhiều thời gian”.

Theo bà Sắn, loại mực mà cơ quan bà thu giữ để tới 6 tháng nhưng không bị mốc, chứng tỏ nó phải có loại chất bảo quản hoặc được làm từ một loại chất đặc biệt nào đó. “Chính vì sợ nếu chôn xuống đất, mực xé không bị phân hủy sẽ có người đào lên đưa vào lưu thông, chúng tôi phải đưa vào lò đốt rác chuyên dụng để đốt. Chúng tôi cũng đã đốt thử để đối chứng: mực khô nguyên con thường cháy xun từ ngoài vào, nếu phủi phần than đen đi vẫn có thể ăn được. Nhưng loại mực chúng tôi thu giữ khi đốt gần như cháy thành than luôn, khói có mùi rất khét, hệt như khi đốt vải may quần áo”, bà Sắn giải thích.

Phạm Hải Sâm

Mê tín – 16 người đi tù với tội danh giết người


TT- – TT – 16 dân làng đã đồng lòng giết chết một người vô tội chỉ vì tin rằng người này có bùa chú thư yểm. Chuyện không thể tin được này xảy ra đầu năm nay ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

“Xã các bị cáo ở là xã vùng sâu, gần biên giới, trình độ văn hóa thấp, người dân rất mê tín dị đoan. Khi nói đến vụ án mạng này, ngay cả một vài cán bộ của xã vẫn còn tin rằng chuyện bùa ngải là có thật, có người còn nghĩ nên tha bổng cho các bị cáo…”

Ông DANH BÉ (phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Kiên Giang, hội thẩm nhân dân của phiên tòa)

Anh T.S. ở xã Tân Khánh Hòa khi có rượu thường hay khoe mình từng học gồng, học bùa. Đầu năm 2010, mẹ của anh S. bệnh chết. Kế đến em và cha của Tiên Qui – một người cùng ấp với anh S. – qua đời.

Qui và những người địa phương cho rằng anh S. đã làm bùa ngải thư chết người.

Ngay cả ông Tiên Xem là cha của anh S. cũng tin vậy nên nhóm của Qui xin ông Xem cho phép giết S. để trả thù cho những người đã mất, đồng thời trừ họa cho dân làng. Ông Xem đồng ý.

Ngày 14-1-2010, thấy anh S. đang cắt cỏ, 15 người với dao, búa, cây tre, cây tràm… đầy sát khí ào đến.

Anh S. hoảng hốt bỏ chạy vào nhà người dân gần đó, đóng chốt cửa bên trong.

Nhóm Qui rượt theo dùng cây tre đâm vào vách, phá tung cửa, xông vào lôi anh S. ra ngoài. Cả nhóm xúm lại dùng dao, búa, cây… chém đâm túi bụi vào người anh S..

Sợ nạn nhân sẽ dùng bùa sống dậy trả thù nên họ tiếp tục dùng dây trói tay, trói cổ kéo lê nạn nhân trên đường kênh dẫn nước, rồi lại chém, đánh anh S..Do bị kéo lê và đánh đập dã man nên quần áo anh S. bị sút ra hết, trần truồng nằm trên ruộng.

Gây án xong, Qui báo cho ông Xem rằng đã giết chết S.. Ông Xem bảo: “Coi nó chết thật hay giả”. Qui trả lời: “Chết thật”. Ông Xem nói: “Nếu ai có đến bắt, tao ở tù cho”.

Những con người tăm tối

16 bị cáo đứng chen chúc trước vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm ngày 28-9-2010 tại TAND tỉnh Kiên Giang với tội danh “giết người”.

Nghe mô tả hành vi, tưởng chừng như họ là những tên sát nhân máu lạnh, nhưng những gì diễn biến tại phiên tòa cho thấy họ là những nông dân chất phác, do mê tín, trình độ thấp nên mới có những hành động hết sức tàn nhẫn như vậy.

Trước tòa, tất cả bị cáo đều cho rằng không có mâu thuẫn hay gây gổ gì với anh S.. Lúc đánh anh S. cũng thấy tội nghiệp nhưng “nếu không giết S. thì S. sẽ tiếp tục dùng bùa chú giết hết cả làng”.

Khi tòa hỏi có chứng cứ không, toàn bộ nói rằng chỉ nghe lời đồn, vả lại chính S. đã từng khoe mình biết bùa chú. Chủ tọa thẩm vấn Qui: “Tại sao bị cáo lại giết anh S.?”. Bị cáo trả lời: “Do bị cáo rất tức giận vì cha và em ruột bị S. thư chết nên mới giết S. trả thù, cũng để cứu nguy cho mọi người”.

Chủ tọa hỏi: “Thế bị cáo có biết anh S. dùng bùa giết người như thế nào không?”. Qui đáp: “Bằng cách bỏ trứng gà, lưỡi lam vào trong bụng khiến người đó chết”. “Thế bị cáo có tận mắt chứng kiến không?”. “Tuy không thấy nhưng bị cáo nghĩ là S. có làm”.

Chủ tọa thở dài: “Việc đó là do bị cáo suy diễn vô căn cứ, chứ có ai thấy anh S. thư người khác đâu”.

Vị đại diện viện kiểm sát hỏi bị cáo Xem: “Tuy bị cáo không trực tiếp giết chết con mình nhưng chính bị cáo đã hỗ trợ đắc lực về mặt tinh thần cho các bị cáo khác. Tại sao bị cáo lại đồng ý cho Qui giết chết S.?”. Bị cáo Xem nói: “Chính S. đã dùng bùa thư chết mẹ nó. Nó còn thư làm tui bệnh, nên tui mới đồng ý cho Qui giết nó”.

Khi được tòa hỏi, người vợ của nạn nhân trình bày mong tòa xử nhẹ các bị cáo, bù lại các bị cáo phải trả giùm 50 triệu đồng mà gia đình chị nợ người ta. Tất cả các bị cáo, kể cả thân nhân, đều đồng loạt giơ tay hùn tiền trả nợ giùm cho chị, để đổi lại việc không phải ở tù.

Vị chủ tọa phiên tòa phân tích: luật không cho phép dùng tiền trả để khỏi tội. Đây là tội hình sự nên ngoài việc phải chịu hình phạt tù, các bị cáo còn phải bồi thường cho thân nhân bị hại. Số tiền đó do tòa quyết định chứ không phải các bị cáo muốn hùn tiền trả bao nhiêu thì hùn.

Chắc có lẽ đến lúc đó các bị cáo mới lờ mờ hiểu ra ít nhiều. Bởi khi gây án, họ đã tin rằng giết “kẻ ác” trừ hại cho xóm làng chắc không đến nỗi bị tội. Nhưng đến khi nghe hội đồng xét xử phân tích, rồi tiếng người dự khán chắc lưỡi, ồ lên kinh sợ trước hành động quá dã man và vị đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án lần lượt từ 7-16 năm tù, các bị cáo mới hốt hoảng, lo sợ.

Khi được nói lời sau cùng, 16 bị cáo đồng loạt xin giảm án để sớm về đoàn tụ với gia đình.

Tương lai mịt mờ

Trong khi tòa nghị án, tôi đến hỏi ông Xem: Tính tình anh S. thế nào, có hỗn hào với vợ chồng ông không? Tại sao ông cứ khăng khăng khẳng định con mình dùng bùa giết người và anh S. thư chết người để làm gì?

Giọng ông Xem quyết liệt: “Tính nó ít nói, nó cũng không có mắng chửi tui, nhưng nó rất ác bởi nó thư chết mẹ nó. Có lần nó cho tui ăn bánh, rồi tui bị sình bụng, tui đi coi thầy, thầy lang nói là chính nó thư tui. Giết nó, cái lòng tui cũng xót, nó là con tui mà. Tui đã nhiều lần la mắng nó đừng làm thế, nó vẫn không nghe. Bà con xóm làng ai cũng sợ nó hết. Để nó sống nó sẽ thư hết cả xóm…”.

Thân nhân các bị cáo đều ủng hộ việc các bị cáo làm! Họ nói S. dùng bùa thư rất nhiều người nhưng may mắn đều qua khỏi, chỉ có ba người chết. Bị cáo Tiên Chia còn nói: “Lần đó S. thư tui, khiến người tui nóng ran, bứt rứt, khó chịu, may mà tui qua khỏi. Xóm có đám tiệc, S. mà ngồi bàn nào là người ta dạt ra hết, không dám ngồi cùng bàn vì sợ bị thư chết”.

Tòa tuyên án 16 bị cáo, người cao nhất là Tiên Qui lãnh 15 năm tù, người thấp nhất là bị cáo Tiên Xem bị phạt 7 năm tù.

Những tiếng khóc vỡ òa ra. Đa số các bị cáo đều nghèo, lại là trụ cột của gia đình nên thời gian thụ án lâu chừng nào thì chắc chắn gia đình điêu đứng đến chừng đó và con cái sẽ bỏ học. Riêng anh S. chết ở tuổi 38, để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi.

Hôm nghe cha bị giết, cô con gái lớn rất sợ, ngồi co rúm trong góc nhà. Em mếu máo: “Cha rất hiền. Chỉ khi có rượu cha mới la nhưng cha rất ít uống rượu”. Vợ anh S. khóc: “Mấy người đó ở tù rồi cũng được ra. Còn chồng tui không sống lại”.

Khi còn sống, ngoài việc chăm sóc 3 công ruộng, anh S. còn đi làm thuê nên cuộc sống không đến nỗi túng quẫn. Giờ gánh nặng dồn trên đôi vai người vợ. Chị cùng con gái lớn làm lụng vất vả để nuôi ba đứa nhỏ tiếp tục đến trường. Nhưng sức phụ nữ có hạn nên giờ nợ nần chồng chất.

Ông Trương Thành Đức, trưởng Công an xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Nạn nhân và thủ phạm đều là những nông dân nghèo chân chất, siêng năng chuyện đồng áng, chỉ vì mê tín mới gây ra câu chuyện thương tâm như thế”.

MINH TÂM

Thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh ảo


Các chuyên gia bảo mật tin rằng virus Stuxnet, thâm nhập vào một số máy tính trong chương trình hạt nhân của Iran, là một phần trong kế hoạch đen tối hơn: khơi mào cuộc chiến tranh trên mạng.

Hãng Symantec (Mỹ) đã thực hiện khảo sát với 1.580 công ty trên thế giới có liên quan đến cơ sở hạ tầng chủ chốt như ngân hàng, dịch vụ khẩn cấp, viễn thông và ứng dụng. Một nửa trong số này thừa nhận họ từng phải chống đỡ những cuộc tấn công có động cơ chính trị.

Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)

Theo báo The Age, khảo sát về loại hình tấn công này (hiếm khi được công khai vì có nguy cơ gây hoang mang) cho thấy các công ty phải trải qua trung bình 10 trường hợp có dính líu đến chiến tranh ảo hoặc khủng bố trên mạng trong suốt 5 năm qua với thiệt hại khoảng 850.000 USD mỗi công ty.

Những con số này mới chỉ là khởi đầu. Gần nửa số công ty tham gia cuộc điều tra tin rằng quy mô và mức độ nguy hiểm của những đợt tấn công sẽ còn tăng lên. “Các vụ tấn công vào công trình trong đời thực là có thật và ngày càng nhiều công ty cho rằng chúng diễn ra vì mục đích chính trị”, Craig Scroggie, Phó chủ tịch hãng Symantec tại khu vực Thái Bình Dương, khẳng định.

Kết quả nghiên cứu của hãng bảo mật Mỹ được công bố sau khi Steve Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft, cảnh báo sâu Stuxnet có thể gây hại cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới, còn Bộ ngoại giao Iran nghi ngờ chính phủ của một quốc gia phương Tây đã phát tán sâu này để phá hoại chương trình hạt nhân của họ.

Không như những virus khác được viết chỉ để khai thác thông tin trên máy tính, sâu Stuxnet “độc hại một cách không bình thường” bởi đây là phần mềm đầu tiên được lập trình với mục đích kiểm soát các hệ thống liên quan đến các công trình quan trọng của ngành công nghiệp. Ngoài ra, thông thường hacker chỉ lợi dụng một lỗ hổng nhưng Stuxnet khai thác cùng lúc 5 lỗ hổng trong hệ thống.

“Phải rất giỏi mới có thể tìm ra 5 điểm yếu trong một phần mềm”, Scroggie nhận định. Symantec ước tính phải 10 chuyên gia làm việc liên tục trong 6 tháng mới có thể “sản xuất” ra được một sâu chuyên nghiệp như Stuxnet.

Sâu máy tính khét tiếng Stuxnet có tên đầy đủ là Worm.Win32.Stuxnet, cơ bản được xem là một công cụ gián điệp công nghiệp, bởi nó được thiết kế để khuếch đại số lần truy cập vào hệ điều hành Siemens WinCC, phục vụ cho việc thu thập dữ liệu và giám sát sản xuất. Từ khi xuất hiện cách đây gần một năm, các chuyên gia an ninh luôn dành cho Stuxnet sự theo dõi sát sao. Ngoài việc khai thác lỗ hổng bảo mật khi xử lý các tập tin LNK và PIF, Stuxnet còn sử dụng thêm 4 lỗ hổng khác nữa của Windows. Một trong 4 lỗ hổng này từng được sâu Conficker khai thác hồi đầu năm 2009.

Alexander Gostev, chuyên gia an ninh của Kaspersky Lab, cho biết: “Stuxnet là chương trình mã độc đầu tiên khai thác cùng lúc 5 lỗi bảo mật. Nó là mối đe dọa đầu tiên chứa rất nhiều bất ngờ chỉ trong một gói chương trình đơn nhất mà chúng tôi từng chạm trán. Đây thật sự là một kho vàng đối với hacker”.
Theo Vnexpress

Nỗi buồn từ “sự kiện Ngô Bảo Châu”


Một trong những đóng góp lớn nhất của GS Ngô Bảo Châu cho dân tộc là anh đã chứng minh một cách thuyết phục Việt Nam có những trí tuệ có khả năng đạt tới đỉnh cao của thế giới. Vậy những trí tuệ ấy ở đâu trên đất nước và trong những lĩnh vực khác?

“Trong những chuyện buồn nho nhỏ thì chuyện buồn to nhất liên quan đến hai ông bạn thân… Có bao kỷ niệm riêng thì các bạn đã phơi lên báo nên chúng khô mất hết cả rồi. Đừng vì một niềm vui bột phát mà làm mất đi những gì quí nhất” GS Ngô Bảo Châu đã viết như vậy sau khi nhận giải thưởng Fields. Có lẽ đó không chỉ là nỗi buồn riêng của anh.

Như thường lệ, giới truyền thông lại làm dấy lên một làn sóng thông tin về GS Ngô Bảo Châu, nhân vật được coi là hấp dẫn độc giả nhất trong thời gian vừa qua. Tất cả những thông tin về anh được thu gom một cách triệt để nhất, cho dù đó là chuyện công việc, chuyện cá nhân hay một câu chuyện vu vơ bất kỳ có thể thu hút sự chú ý của công chúng. Về mặt nghề nghiệp, quá trình này cũng không khác gì việc tạo ra hình ảnh một kẻ giết người máu lạnh mang tên Nguyễn Đức Nghĩa. Trong khi đó, điều làm nên sự ưu tú của GS Ngô Bảo Châu, Bổ đề cơ bản Langlands thì lại vượt xa khả năng trí tuệ của các nhà báo và công chúng. Người hiếm hoi đặt câu hỏi về ý nghĩa của công trình này thì lại là một người nước ngoài, Joe với một bài báo trên Dantri.com.vn.

Tuy nhiên, cả xã hội đã bị cuốn vào làn sóng truyền thông đó. Chắc chắn trên đất nước Việt Nam, không nhiều người biết đến Bổ đề Langlands cũng như có khả năng hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa của công trình này. Cái duy nhất chúng ta có thể đánh giá được, đó sự danh giá của giải thưởng Fields.

Việc GS Ngô Bảo Châu giải quyết được Bổ đề Langlands đã xảy ra từ trước nhưng việc này chỉ trở thành làn sóng với truyền thông Việt Nam khi anh đạt được một cột mốc về danh vọng. Như thế, về cơ bản, công chúng đã bị cuốn hút bởi sự hào nhoáng của vinh quang thay vì chân giá trị của trí tuệ. Và thay vì chỉ ra sự vượt trội của GS Ngô Bảo Châu trên con đường khoa học, người ta tìm kiếm những chi tiết trong các sự kiện và đời sống cá nhân, những chi tiết mà người nào cũng có.

Sự tự hào tràn lan trên các mặt báo, trong những phát biểu mang tính cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta có quyền đó không? Để giải quyết câu hỏi này, trước hết phải rõ ràng với chính mình con đường nào đã tạo nên sự ưu tú của Ngô Bảo Châu.

Ví như chúng ta có một mảnh đất quanh năm chỉ xây được những khối nhà 2,3 tầng. Khi mảnh đất đó vào tay người khác, họ xây lên những lâu đài tráng lệ. Liệu chúng ta có nên tự hào về lâu đài đó không? Đã có rất nhiều những tài năng toán học xuất hiện trên đất nước nhưng chỉ có một mình GS Ngô Bảo Châu đạt tới tầm cao của nhân loại. Những cái tên lừng lẫy một thời như Lê Bá Khánh Trình… giờ đã về đâu trong cuộc sống?

Một trong những đóng góp lớn nhất của GS Ngô Bảo Châu cho dân tộc là anh đã chứng minh một cách thuyết phục Việt Nam có những trí tuệ có khả năng đạt tới đỉnh cao của thế giới. Vậy những trí tuệ ấy ở đâu trên đất nước và trong những lĩnh vực khác? Nền văn học với quá nhiều chất liệu không có lấy một tác phẩm đáng kể. Nền giáo dục thì đã thử nghiệm hàng chục năm trên các thế hệ học sinh rốt cuộc vẫn chưa định dạng được con đường cho mình. Nền nông nghiệp thì lạc hậu tới mức không có vắc xin phòng chống nổi một đợt dịch bệnh tai xanh ở lợn để dịch cứ lan tràn từ địa phương này qua địa phương khác rồi trở thành đại dịch.

Với thế giới, GS Ngô Bảo Châu đã mang lại một tri thức mới mẻ. Tuy nhiên, với dân tộc, anh chỉ gợi lại những nỗi buồn xưa cũ. Chúng ta đã từng có những con người vĩ đại. Triết gia Trần Đức Thảo, một trong những triết gia vĩ đại của thế kỷ với “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”, “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, “Nguồn gốc ngôn ngữ” và “Ý thức triết học đã đi đến đâu”. “… một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, mà còn đáng cho nền văn hóa Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại” – (Lời giáo sư Nguyễn Đình Chú trong một bài viết của ông). Sách triết của Trần Đức Thảo đã xuất bản khắp châu Âu. Viện Hàn lâm Đức đã muốn mời ông sang để trao đổi về vấn đề con người, về Heghen…

Giáo sư vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu, người được thế giới đánh giá là một trong những bộ óc ưu tú nhất của nhân loại trong lĩnh vực đã luôn hướng về quê hương. Ông đã từng xin tài trợ để xây dựng một cung thiên văn tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên theo lời ông, dự án đó đã không trở thành hiện thực do các thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội…

Trên thế giới còn rất nhiều những nhà khoa học Việt Nam như thế. Dù họ không đạt tới đỉnh cao như GS Ngô Bảo Châu nhưng đều là những người có tài năng xuất chúng. Những con người mang dòng máu Việt Nam nhưng trí tuệ đã được vun đắp bởi các dân tộc khác trên thế giới và những trí tuệ đó cũng đang cống hiến cho những dân tộc khác trên thế giới. Đó là một nỗi đau chứ không thể là một niềm tự hào.

Khi GS Ngô Bảo Châu nổi lên như một hiện tượng, Viện Toán học đã công bố một mức đãi ngộ vượt khung nếu anh về làm việc. Đó là thu nhập khoảng 5 triệu một tháng. Đó không chỉ là cái nghèo về vật chất. Đó còn là cái nghèo trong khả năng đánh giá một tài năng trong bối cảnh thế giới phẳng. Không bàn về những đại học đang mời GS Ngô Bảo Châu, chỉ một doanh nghiệp trong nước cũng sẵn lòng tặng anh một biệt thự. Có thể trong đó có mục đích PR hay những mục đích khác nhưng nó cũng thể hiện việc doanh nghiệp có khả năng đánh giá rất đúng tầm vóc của một con người. Ở mặt này, doanh nghiệp đang “giàu” hơn nhà nước rất nhiều.

Trong một lần nói chuyện, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường Viện Công nghệ Sinh học nói một công trình khoa học thực hiện trong 2 năm thì đến gần 1 năm là lo chuyện giấy tờ hóa đơn sổ sách. Mà đó đâu phải là những việc của những nhà khoa học.

Trong nước không thiếu những người tài nhưng thực sự họ đang mơ ước có được một cơ chế làm việc khoa học cho những nhà khoa học. Từ cơ chế đó, họ mới có thể tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi năng suất, mới có thể tạo vắc xin phòng dịch, tạo thuốc chữa bệnh… Những điều đó không quá phức tạp như việc chứng minh Bổ đề Langlands. Nó không tạo ra niềm hân hoan nào quá lớn nhưng lại mang lại sự ổn định và no ấm cho cuộc sống hàng triệu người nông dân trên đất nước.

Trở lại với nỗi buồn của GS Ngô Bảo Châu. Niềm vui bột phát rồi sẽ qua đi rất nhanh. Quan trọng nhất là trả lời cho câu hỏi điều gì quý giá nhất? Chúng ta đang gìn giữ và tạo điều kiện như thế nào cho những điều quý giá nhất ấy để vượt lên những hào nhoáng vinh quang tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống từng con người?

Nguồn: CAND

GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields


(Dân trí) – Lúc 12h55 hôm nay (giờ Hà Nội), tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, bà Pratibha Patil – Tổng thống Ấn Độ đã trao huy chương Fields – giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.
Đây là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, khi trí tuệ Việt vươn lên đỉnh cao của khoa học nhân loại và được khẳng định trên trường quốc tế.

Khi ĐH Toán học thế giới vừa xướng tên GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, những người có mặt như vỡ òa ra trong niềm vui khôn tả, tự hào vì người Việt Nam đã chinh phục được đỉnh cao của nền khoa học nhân loại.


GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 19/8/2010.

GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam khẳng định: “Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế”.

Mời bạn đọc theo dõi giây phút GS. Ngô Bảo Châu được trao Giải Fields:

Vừa nhận được tin GS Ngô Bảo Châu được ĐH Toán học thế giới trao giải thưởng Fields, thầy giáo Dương Hoàng Giang, giáo viên chủ nhiệm của GS Ngô Bảo Châu (từ 1987 đến 1989) khối
chuyên – Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bật khóc trong niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ riêng của mình mà của cả nền toán học Việt Nam.
Thầy Giang tâm sự: “Chúng tôi từng giờ, từng ngày chờ đợi đến giờ phút này. Bây giờ tôi vui quá. Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên nên hay chú ý đến từng em học sinh, xem em nào thông minh, sáng tạo, tư cách đạo đức của em đó ra sao và sau này có thể trở thành nhân tài đất nước. Với em Châu, không chỉ tôi mà các thầy dạy bộ môn khác đều nhận xét rằng: Châu là con người thông minh, sáng tạo, học giỏi đều các môn. Vì thông thường các em giỏi toán thì lơ là các môn học khác nhưng đối với Châu học đều các môn. Châu đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng đặc biệt, đó là cậu học trò có tư cách đạo đức tốt, chăm chỉ, lễ phép. Với con người như vậy, từ thời đó tôi đã có suy nghĩ, tiên lượng nếu Châu được đào tạo một cách bài bản, sau này sẽ trở thành một nhân tài – điều đó nay đã trở thành sự thật”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương, chủ nhiệm khối chuyên – ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Thành công của Ngô Bảo Châu ngày hôm nay, không chỉ là hạnh phúc của riêng Châu mà là niềm hạnh phúc của các thầy giáo đã từng dạy Châu. Hạnh phúc này khó mô tả bằng lời. Bởi giải thưởng của Ngô Bảo Châu là giải thưởng lớn, quá sức tưởng tượng – giải thưởng Fields nhiều nước trên thế giới rất mong đợi”.
Giải thưởng của Ngô Bảo Châu là niềm vui của lớp trẻ, tạo cho lớp trẻ niềm tin ở người Việt Nam có thể đạt được tất cả đỉnh cao của khoa học. Niềm tin rằng, nếu mình lao động nghiêm chỉnh sẽ đạt được tất cả – GS. Ngô Bảo Châu là một cách đích để người ta hướng lên. Trong khoa học Ngô Bảo Châu thành công bởi chứng minh được một công trình nổi tiếng thì trong giáo dục Châu như là cái lập luận chặt chẽ chứng minh rằng, mô hình giáo dục Việt Nam đứng đắn, đào tạo được những đỉnh cao – Tiến sĩ Lương khẳng định.


GS. Ngô Bảo Châu trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng danh giá Fields. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Đằng sau sự thành công trong khoa học của GS Ngô Bảo Châu là sự đóng góp lớn lao, âm thầm của mẹ anh PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền. Bà đã từng tâm sự với báo chí rằng: “Bổ đề cơ bản” là người bạn thân thiết của Châu suốt 15 năm qua, nhưng khi Châu chứng minh được bổ đề này thì nó lại là của mọi người, không còn là của riêng Châu nữa. Cô cũng vậy. Mừng cho con nhưng thấy lòng một chút hụt hẫng, trống trải, Châu được nhiều người biết đến thì cảm giác không thuộc về riêng mình nữa. Thỉnh thoảng cô điện thoại cho Châu nói đùa, mẹ quen với tuổi già cô đơn rồi, mẹ phải điện thoại cho con không con thành “vĩ nhân” mất, chẳng còn thời gian trò chuyện”.
GS Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh là con trai GS-TSKH Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Cơ học Việt nam. Mẹ anh là PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền TW, Việt Nam.
Ngô Bảo Châu từng là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ, sau đó học tại khối phổ thông chuyên toán trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Anh đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Australia năm 1988 và Cộng hoà Liên bang Đức (1989). Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Ngô Bảo Châu là cựu sinh viênTrường Đại học Sư phạm cấp cao (École normale supérieure), Pháp.
Năm 2004, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với GS Gérard Laumon vì đã có chứng minh được Bổ Đề Cơ Bản cho các nhóm Unita. Cũng trong năm đó, anh được phong Giáo sư tại ĐH Tổng hợp Paris 11.
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai GS người Việt Nam ở nước ngoài, đó là GS. F. Phạm và GS. Dương Hồng Phong.
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie), dày 169 trang, đã được chính thức công bố trên tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS, do NXB Springer phát hành.
Với các công trình khoa học của mình, hôm nay ngày 19/8, GS Ngô Bảo Châu đã được Đại hội Toán học thế giới ICM2010 trao giải Fields tại Ấn Độ.

Giải thưởng Fields như là Giải thưởng Nobel trong Toán học, bởi vì theo di chúc từ năm 1901 của người sáng lập Thụy Điển A. Nobel, Giải thưởng Nobel không dành cho Toán học. Thế nhưng Giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết của nó là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải.
Cứ bốn năm một lần, Giải thưởng được trao tại các kì Đại hội Toán học thế giới và mỗi lần có không quá 4 người được nhận. Như vậy, tính bình quân, mỗi năm có tối đa một người được nhận Giải thưởng.
Trong 70 năm qua, 1936 – 2006, cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình đạt Giải thưởng Fields. Đó là: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Italia, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc, trong đó chỉ có 3 người có quốc tịch châu Á, đều là người Nhật và có hai người gốc Hong Kong – Trung Quốc là Shing-Tung Yau (quốc tịch Mỹ ) và Terence Tao (quốc tịch Úc) đã được trao Giải thưởng Fields.
Hồng Hạnh

Giải trí hay suy nghĩ đây ???


Bạn đã bao giờ thử tưởng tượng mọi thứ sẽ thế nào nếu Việt Nam trở thành siêu cường số 1 thế giới?

Đọc và cùng suy ngẫm

Hãy thử xem qua các bản tin lúc đó:

1.Bản tin quốc phòng:
– Tập đoàn công nghiệp quốc phòng VN công bố vừa xuất khẩu 20 tàu ngầm lớp Yết Kiêu cho Thái Lan và Indo.
– Vậy là Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã đồng ý cho phép Hoa kì được tự do nghiên cứu hạt nhân. Đây là một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kì.
– Bộ quốc phòng công bố những tài liệu cho thấy đảo Hải Nam là của Việt Nam. Hoàng Sa tiếp tục được đầu tư để trở thành quân cảng lớn nhất Châu Á. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TQ yêu cầu VN tôn trọng chủ quyền hải đảo và luật biển quốc tế. Được biết tuần trước, Trung Quốc lên tiếng vì việc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đâm chìm tàu chiến TQ.
– Bộ trưởng bộ ngoại giao VN vừa tới Trung Đông để bàn về việc ổn định hòa bình ở khu vực này và cho biết sẽ dần rút quân VN về trong vòng 2 tuần tới.
– Cảnh sát VN đã giải cứu hơn 10000 phụ nữ Trung Quốc trong một đường dây buôn bán phụ nữ lớn nhất từ trước tới nay và đang hỗ trợ hồi hương cho số phụ nữ này. Tuy nhiên quá trình hồi hương gặp rất nhiều khó khăn do các cô gái TQ đều muốn lấy chồng là người VN.

2. Bản tin kinh tế:
– Thuốc lá Thăng Long và Vinataba tiếp tục chiếm vị trí hàng đầu thế giới.
Cả thế giới tin dùng bia Sài Gòn.
Bạn có thể thấy cà phê Trung Nguyên ở mọi quốc gia.
Hãng Vinaxuki đã mua lại 2 tập đoàn GM và Huyndai, FPT thâu tóm 60% cổ phần Microsoft.
– Ông Nguyễn Tử Quảng tổng giám đốc Bkis có buổi nói chuyện thân mật với các sinh viên xuất sắc của Harvard…trong buổi nói chuyện của mình ông đã đưa dự định mua lại Microsoft và Apple của Mỹ.
– Việt Nam trúng thầu 90% các dự án trọng điểm của Trung Quốc, trong đó tới hơn 80% các dự án chậm tiến độ từ 5 tới 10 năm. Bên cạnh đó Việt Nam thuê rừng đầu nguồn của Trung Quốc để khai thác khoáng sản, lâm sản.

3. Bản tin xã hội & giáo dục:
– Hà Nội vừa được công nhận là thành phố sạch nhất thế giới, vượt lên Singapore và Paris. Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút nhân tài hàng đầu Châu Á với số sinh viên nước ngoài đang theo học các trường ĐH ở VN hiện khoảng 10 triệu người.
– Đại học Quốc gia VN sẽ là niềm ước ao của hàng triệu bạn trẻ trên toàn thế giới.
– Đàn ông VN vì không thể đeo đuổi được các cô gái danh giá, đã phải qua cưới các cô gái nghèo khổ ở các nước như Nhật, Hàn, Mỹ…

4. Bản tin truyền thông:

– Suhoctre.tk đứng đầu alexa, chiếm 99% traffic toàn thế giới!
– Kênh 14 sẽ là kênh thông tin hàng đầu châu Á, các trang tin tức như CNN, BBC đều phải có dòng chữ “kenh14.vn” dưới mỗi bài viết.

5. Bản tin nghệ thuật & thể thao:
-V-League là giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh lúc này, hội tụ đầy đủ các siêu sao Việt Nam, Brazil, Hà Lan, Tây Ban Nha, Argentine. Câu lạc bộ Hà Nội T&T năm nay gần như chắc chắn vô địch V-League để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, nhờ có sự tỏa sáng của bộ ba hủy diệt Xavi-Công Vinh-Messi. SHB Đà Nẵng dù đã phá kỉ lục thị trường chuyển nhượng khi mua Quả bóng vàng VN Thành Lương, cùng với Cristiano Ronaldo nhưng cũng không nên cơm cháo gì, được cái là họ đã vào đến bán kết cúp C1 châu Á, giải bóng đá hấp dẫn thứ nhì hành tinh sau V-League, cùng với HN T&T và Lam Sơn Thanh Hóa, câu lạc bộ còn lại là Gamba Osaka của Nhật. Nghe nói năm sau đa số khán giả ở Anh sẽ không được xem V-League vì kênh K- đã độc quyền phát sóng V-League ở Anh, ai muốn xem phải mua gói “Thượng hạng” với giá thuê bao lên đến ba mươi ngàn đồng một tháng…

– Từ năm sau Hà Nội sẽ chính thức đăng cai Olympic mùa hè, môn nổi bật là bơi thi giữa phố cổ…

6. Bản tin địa lý & giải trí:
– Các thủ đô và thành phố lớn là phải có khói bụi mịt mù, đào đường lấp cống thường xuyên và ngập lụt mỗi khi trời mua để người dân thỏa sức bơi lội. Và giống như Hà Nội, Wasinton cũng sẽ cấm online game.
– Diện tích HN lại được mở rộng lần nữa. Bạn rất có thể gặp một cô gái H’mong mang hộ khẩu Hà Nội 9
. – Dép Lào, áo 3 lỗ và nón cối trở thành xu hướng mới của giới trẻ, sẽ tràn ngâp các sàn catwalk ở Paris và Milan.
– Vàng Anh đoạt giải Oscar cho thể loại film ngắn. Việt Dart giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Hoàng Thùy Linh giải thành tựu trọn đời.
– Bảo Thy lần đầu tiên đoạt giải Grammy với album Công chúa mặt ngựa.
– Trong buổi quảng bá album mới của mình, Lady Gaga đã phát biểu rằng :”Tôi là thím Hà của nước Mĩ”.
7. Bản tin đầu tư, tài chính & kinh doanh:[INDENT] – Chính phủ Hồ Cẩm Đào mâu thuẫn với Quốc hội Trung Quốc sâu sắc do tranh cãi về việc xây dựng đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh – Thượng Hải – Quảng Châu nhờ vào vốn vay ODA từ Việt Nam. Dự trù tổng số vốn vay sẽ vào khoảng 5.600 tỉ VNĐ, chiếm 80% GDP Trung Quốc.
– Nike, Adidas tuyên bố phá sản vì ko cạnh tranh nổi và đã bị mua lại bởi Thượng Đình – thương hiệu giày VN này cho tới nay đã bán được 900tr đôi.
– Cuộc cạnh tranh kéo dài cả thế kỉ giữa Coca Cola và Pepsi đã chấm dứt khi cả hai lần lượt bị mua đứt bởi Công ty Tân Hiệp Phát. Hàng loạt nhà hàng KFC bị thay thế bởi các cửa hàng Phở 24.

Và những update vụn vặt khác…

Lúc đấy các nước sẽ đua nhau học tiếng Việt. Tiếng Việt sẽ trở thành mốt thời thượng.

Ở bên cái nước Mĩ nhà quê kia, anh nào bắn tiếng Việt như gió là các em mê lắm. Nói được tiếng Việt mới là có học, mới dễ xin được việc. Các bạn trẻ bên đấy cũng hay chêm những câu tiếng Việt vào ví dụ như đoạn hội thoại sau:

– Chào David, how are you?
– I’m fine. And you?
– Fine. Long time no see. What are you doing?
– I’m studying at Đại học Vinh. My ngành is kinh tế.
– Wow, it is in the top 50 of Những trường đại học Việt Nam, isn’t it?
– Chuẩn. But it’s nothing in comparison to Peter Cooper. He got a 100% học bổng of Đại học Ngoại thương.
– Really? Vãi cả l** ! I can’t believe he used to be my dumb deskmate in 5th grade.
– Haizzz, he’s such a lucky guy. Girls in Hà Nội are so quyến rũ and dịu dàng.
– At least, you have Vietnamese girls around. At my university MIT, there are no girls nóng bỏng but cá sấu or fat chicks.
– Hey! Peter’s just uploaded photos on Yume(similar to Facebook). He had a photo taken with Vũ Hà last night.
– OMG!!!

Như các bạn đã thấy, sự trong sáng của tiếng Mĩ bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều bạn trẻ Mĩ đi du học Việt Nam. Báo chí Mĩ thì lo lắng về tình trạng tiếng Mĩ bị méo mó. Các ca khúc Mĩ bây giờ có trào lưu cứ phải chêm một hai câu tiếng Việt vào bài hát đại loại như: Anh yêu em, Anh nhớ em nhiều lắm, Hãy lắc cái mông đi em, Cô ấy thật nóng bỏng, Hãy giơ tay lên nào các bạn v.v…

Người Việt lúc này đi du lịch rất sướng. Sang Mĩ tiêu tiền đồng thoải mái. Một ngàn là mua được cái bánh hamburger to uỳnh. Thả xu 200 đồng vào máy là mua được chai Pepsi. Mười ngàn đồng là mua được cái túi LV. Một triệu là mua được vPhone. Những tờ tiền Bác Hồ tràn ngập các nước nên trên thế giới không ai là không yêu Bác Hồ. Chính phủ Việt Nam cứ thỉnh thoảng thiếu tiền thì lại in thêm, chả sợ lạm phát

Thái Lan lúc này học tập Việt Nam bỏ đa đảng cho nó ổn định chính trị, chỉ có duy nhất một Đảng người Thái yêu người Thái, do ông Bủn-xỉn làm tổng bí thư. Ông này hồi trước học tiến sĩ ở đại học kinh tế quốc dân Việt Nam.

Các rạp Mĩ bây giờ phải tranh nhau mới mua được phim của Vinawood (kinh đô điện ảnh Việt Nam đặt tại Bắc Giang). Phim nào có ngôi sao phim hành động Ngô Thanh Vân là ăn chắc hết sạch vé tuần đầu tiên. Bên cạnh đó là quả bom sex Ely Trần. Siêu phẩm 3D do cô thủ vai chính sắp tới đang là chủ đề bàn tán của các bạn trẻ Mĩ, Hàn Quốc, và khắp nơi trên thế giới. Paris Hilton thì lu loa lên là mình được đóng phim cùng Ely Trần nhưng cũng chả ai quan tâm, trong phim cô cũng chỉ được xuất hiện có 2 giây trong vai xác chết.
.
.
.
.
.
(Theo 1 Hội trên Facebook)

Đọc cả bài viết thì ta có thể cười, nhưng ngẫm thì có thể xót. Đây không chỉ là những mơ ước của các bạn trẻ về tương lai đất nước, đó là một cái nhìn châm biếm và đả kích sâu cay trước những vấn nạn mà VN-trên tư cách một quốc gia nhỏ bé phải hứng chịu: Buôn người, văn hóa sa sút, bị chèn ép về kinh tế, chính trị, quốc phòng.
Và trong mắt các bạn nếu VN là cường quốc số 1 thế giới thì sẽ như thế nào nữa?

Bạn sẻ bị phạt nếu vi phạm giao thông dù nơi bạn vi phạm không có CSGT


(Dân trí) – Với hệ thống camera giám sát giao thông trên đường, tổng đài kiểm soát có thể xử lý và báo cho cảnh sát giao thông vị trí hiện tại của xe vi phạm luật giao thông bằng tin nhắn SMS để đến lập biên bản xử phạt.

Những hành vi lấn tuyến, đi ngược chiều sẽ được hệ thống tự động cảnh báo và nhắn tin cho CSGT gần nhất biết
Đó là giải pháp giảm vi phạm giao thông do thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn, nghiên cứu và đề xuất tại hội thảo bàn về Giải pháp giảm ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn TPHCM vừa qua.

Theo ông Tuấn thì một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn của TPHCM hiện nay là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông quá kém. Rất nhiều trường hợp người dân lấn tuyến, dừng đỗ sai quy định… mà CSGT không thể có mặt ở mọi nơi để kiểm soát.

Do vậy, ông đề xuất giải pháp lắp đặt hệ thống camera kiểm soát tại các tuyến đường chính. Nó sẽ thu thập thông tin về các xe lưu thông qua các điểm kiểm soát. Thông tin sẽ được tập trung về trung tâm thu thập và quản lý. Các trường hợp vi phạm như lấn tuyến, dừng đỗ sai quy định… sẽ được hệ thống cảnh báo và thông báo đến CSGT ở khu vực gần đó biết bằng tin nhắn SMS.

Với hệ thống camera hoàn thiện, hệ thống này có thể ghi nhận lại là xe vi phạm đã vi phạm bao nhiêu lần luật Giao thông, hướng đi hiện tại của xe vi phạm và thông báo cho CSGT truy theo để xử lý, lập biên bản xử phạt. CSGT cũng có thể truy xuất hình ảnh vi phạm qua hệ thống máy chủ website để làm chứng cứ lập biên bản.

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: “Với hệ thống này thì CSGT dễ dàng xử lý các vi phạm hơn, giúp người dân tự giác hơn, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Dù lưu lượng giao thông có cao nhưng với ý thức chấp hành luật tốt thì cũng sẽ không xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn”.

Ngoài ra, để tận dụng hệ thống camera kiểm soát này, cũng tại hội thảo thạc sĩ Nguyễn Thành Trung công bố đã nghiên cứu xây dựng thêm phần mềm kiểm soát lưu lượng phương tiện giao thông trên đường để cảnh báo về ùn tắc giao thông.

Dựa vào hệ thống này, sau khi thu thập đầy đủ hình ảnh, hệ thống sẽ tự phân tích lưu lượng xe, tốc độ xe trên đường để có những cảnh báo, chỉ dẫn phân luồng tự động qua các biển báo điện tử lắp đặt trên đường cho người dân biết đi hướng nào để tránh xảy ra ùn tắc.

Hệ thống cũng có thể cung cấp thông tin các vị trí có xảy ra sự cố cho CSGT đến xử lý, điều tiết qua tin nhắn SMS, email…

Thông báo Hội trại Tuổi trẻ – Phật giáo lần 5 – năm 2010


Nhằm tạo một sân chơi bổ ích, năng động, vui vẻ cho giới trẻ sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng, Báo GIÁC NGỘ kết hợp với Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử T.Ư tổ chức Hội trại Tuổi trẻ – Phật giáo lần 5 – năm 2010 với chủ đề Hội tụ khát vọng và Gala kỷ niệm 5 năm một chặng đường hình thành, phát triển Hội trại với các nội dung như sau:

Hoạt động lửa trại tại Hội trại lần 4 – 2009

1. Thời gian: Vào 2 ngày 24 – 25 tháng 7 năm 2010 (Thứ 7 và Chủ nhật)

2. Địa điểm: Bà Rịa-Vũng Tàu.

3. Đối tượng tham dự: Thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh từ 14 đến 30 tuổi.

4. Đăng ký: Kể từ ngày ra thông báo đến hết ngày 14-7-2010 tại tòa soạn Báo Giác Ngộ – 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM (Thời hạn đăng ký có thể kết thúc sớm hơn nếu số lượng trại sinh đã đủ).

5. Lệ phí tham gia trại: 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng)

Mọi chi tiết xin liên hệ điện thoại: 08.39303120 (trong giờ hành chính) Email: hoitraittpg@yahoo.com – Website: http://www.giacngo.vn

Link:

‘Tiếng đàn Thạch Sanh’ giữa trung tâm Sài Gòn


Tiếng violon trỗi lên nhẹ nhàng, bắt nhịp cho hàng chục con người xung quanh cất lên lời hát “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng. Của núi sông hôm nay và mai sau…”. Cao hứng, nhiều người cầm tay nhau nhảy múa.

Như thường lệ, khoảng 9h sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, ở góc công viên 30/4 (đường Hàn Thuyên, bên hông nhà thờ Đức Bà, quận 1), người Sài Gòn lại được thưởng thức tiếng đàn violon của “lão nghệ sĩ du ca đường phố”.

Mọi người ví như tiếng đàn “Thạch Sanh” bởi tiếng violon cứ ngân lên không ngừng nghỉ. Bài hát cũng không cần chọn lọc, người nghe có thể bất ngờ khi vừa dứt bài “Trống cơm”, giai điệu trỗi lên dồn dập “Dậy mà đi”, xong lại chuyển mang đầy nuối tiếc của “60 năm cuộc đời”… Lúc trầm bổng, lúc lại réo rắc, tiếng đàn đủ sức khiến một cụ già bán hàng rong dừng chân ít phút, cô hàng nước thỉnh thoảng dõng tai nghe quên cả khách hàng. Thậm chí, bác xe ôm trong phút thả hồn theo tiếng nhạc, để hụt khách còn không biết.

Một người, hai người… rồi cả một nhóm. Mỗi cuối tuần, không hẹn mà gặp họ như những người bạn tri kỹ, kéo đến công viên, cùng hát, cùng nhảy. Và tiếng violon vẫn đều đặn vang lên, từ ông lão nghệ sĩ.

Những bạn trẻ bên cạnh nghệ sĩ Trí Hải tại công viên 30.4

Ông tên là Tạ Trí Hải, sinh năm 1940, người Hà Nội gốc. Với mái tóc dài búi gọn, bộ râu trắng như cước, luôn vận chiếc áo kaki nâu sẫm kèm chiếc mũ cao bồi rộng vành, ngoại hình của ông đủ khiến người ngoài gặp một lần là nhớ mãi. Suốt 5 năm qua, ông vẫn miệt mài mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật ra công viên và đàn những bản nhạc cho người dân hay du khách nước ngoài thưởng thức. Không lấy tiền của khách mà đơn giản, đây là việc làm giúp ông thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc. Và bằng âm nhạc, ông có thể: “giao lưu với mọi người xung quanh, sẻ chia cảm xúc để thấy cuộc đời này tốt đẹp”.

5 năm trước, khi về hưu, công việc hằng ngày của ông Hải là mang đàn violon, đàn Mandoline và Harmoniac ra công viên, đường phố dạo chơi. Thấy mọi người tụ tập thì gãy đàn góp vui. Dần dần, giữa phố thị Sài Gòn ồn ào, hình ảnh ông già có gương mặt hiền từ, phúc hậu chơi đàn làm say đắm lòng người trở thành quen thuộc.

“Tôi đã du lịch qua rất nhiều nước, Anh, Pháp, Trung Quốc…, cũng từng đến Hà Nội, nhưng không ở đâu như Sài Gòn. Giữa công viên cây xanh, có thể nghe và xem một ông lão nghệ sĩ chơi đàn mà không mất tiền vé. Chuyện lạ đấy!”, chị Jessica, du khách người Canada nói.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, không hẹn mà nhiều bạn trẻ khắp nơi trên cả nước, nhiều du khách nước ngoài cũng hay tin và tìm đến công viên 30/4 ở khu vực trung tâm TP HCM để nghe nghệ sĩ đàn và để giao lưu với ông.

“Cứ đến cuối tuần tôi lại ra đây, như một thói quen, để nghe ông Hải chơi đàn violon. Tiếng đàn của ông in sâu vào tiềm thức của mình mất rồi. Nếu một ngày không còn tiếng đàn của ông không hiểu mình sẽ ra sao nữa?”, bạn Nguyễn Hoàng Minh Ngọc, sinh viên trường Du Lịch Sài Gòn tâm sự. Từ tận Sóc Trăng, bạn Nguyễn An, trường THPT Hoàng Diệu cũng tìm đến đây trong một lần ghé Sài Gòn, không quên mang theo đàn guitar để “hòa tấu” cùng ông các bài hát mình yêu thích.

Cảm nhận lòng say mê âm nhạc từ những “người bạn trẻ”, ông Hải mở câu lạc bộ Ngàn sao. Ông nói: “Thấy các bạn trẻ nhiệt tình quá. Ai cũng có niềm đam mê âm nhạc giống mình thì tại sao không tạo ra một nơi kết nối mọi người lại với nhau? Điều kiện để gia nhập câu lạc bộ đơn giản lắm, chỉ cần ai yêu thích âm nhạc, ca hát là có thể đăng ký”.

Tháng 10 này, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Hải bày tỏ ước muốn được trở về Hà thành, để hát và chơi đàn cho thỏa nỗi mong nhớ. “Như bao người, thời cắp sách đến trường, những buổi cùng bạn bè la cà quán xá, tắm sông, đá bóng, cùng nhau trốn học đi chơi…. vẫn lưu giữ trong tôi như một phần đời không thể mất. Tôi nhớ tuổi, nhớ những kỷ niệm…”, ông Hải bày tỏ nỗi niềm của một người con tha hương. Rồi ông đàn Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hướng về Hà Nội, Người Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Nhớ mùa thu Hà Nội… Một loạt ca khúc, một loạt giai điệu vang lên không nghỉ, đủ thấy nỗi nhớ Hà Nội trong ông lớn lao đến dường nào.

Thế nhưng, đâu đó trên gương mặt ông vẫn đượm buồn. Ông thật thà chia sẻ: “Về thì nhất định phải về. Nhưng vấn đề tiền nong eo hẹp quá. Chắc từ bây giờ đến lúc đó cũng chỉ tiết kiệm đủ tiền mua vé xe tàu hỏa”.

Ông Hải không lập gia đình, sống “đơn phương độc mã” cùng cây đàn violon, ngao du giữa đường phố Sài Gòn. “Mỗi người đều có một quan niệm sống khác nhau. Tôi sống cho lý tưởng cách mạng. Tuổi trẻ của tôi dồn hết cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rồi, không còn thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện gia đình”, ông giải thích mỗi khi nghe hỏi về chuyện riêng này.

Một mình, nhưng ông Hải không cô độc. Bên cạnh ông còn có những tấm lòng đồng điệu, say mê âm nhạc, còn có câu lạc bộ Ngàn sao với nhiều thành viên vẫn cùng ông mỗi sáng cuối tuần ra công việc “hòa” nhau điệu đàn, lời hát. Với ông, như thế đã đủ cho một đời người.

Tá Lâm

Buồn vui chấm thi môn Văn


Tôi chấm bài thi môn Văn tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) của hai hội đồng thi tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, gặp lắm chuyện cười không nổi.

Bài thi hệ GDTX thường giống nhau, có khi cả phòng thi chỉ có một kiểu trả lời. Điều đó chỉ có thể giải thích là thí sinh chép từ cùng một nguồn tài liệu (nhưng vì không có biên bản nên giám khảo coi như học sinh được hướng dẫn ôn tập cùng một nguồn). Rải rác có những bài làm ở 2 phòng khác nhau nhưng chỗ sai thì lại giống như nhau.

Câu 1 đề thi môn Văn hệ GDTX yêu cầu nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có thí sinh viết: “Bài thơ Tây Tiến được ra đời trong lúc tác giả cùng đồng đội hành quân xuyên rừng sang giúp nước bạn Lào chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt giành độc lập”. Một thí sinh “sáng tạo” kinh hoàng khi viết Quang Dũng sinh ra ở Huế, làm văn nghệ sĩ ở xứ Nghệ với câu cú không hiểu nổi: “Ông xứng đáng là một người háo danh. Trước lúc ông đã ra đi tìm đường cứu nước ông vì một người mà phải hy sinh anh dũng thật là khổ danh là một người lính Tây Tiến… vào năm một ngàn chín trăm sáu bảy, ông đã từng đi du học nước ngoài ở Mỹ. Trước khi ông hy sinh ông đã làm một kiến trúc sư… Ông còn làm một tập truyện ngắn, nhật kí trong tù của Phạm Tiến Duật…”. (?!)

Câu làm văn 5 điểm yêu cầu phân tích hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Một thí sinh ở hội đồng thi Kon Tum viết: “Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành sẽ mãi còn được đưa vào chương trình học của học sinh vì bài này luôn nhắc nhở mỗi con người chúng ta phải biết yêu thương rừng. Vì rừng đã bảo vệ chúng ta trong chiến tranh mà rừng còn là lá phổi của chúng ta. Con người không thể sống nếu không có phổi…”. Một thí sinh khác viết: “Xà nu đã giúp cho con người sống có lúc không nhà. Nguyễn Trung Thành đã cảm nhận được công từ rừng. Hình tượng về rừng giúp con người nhớ mãi không thể quên được. Vì con người đã chặt phá củi vì vậy rừng đã có bão…”.

Trần Hà Nam

(Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định)

ăn mày tri thức


Câu chuyện bắt đầu như thế này.
Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.

– Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
– Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
– Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
– Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
– Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
– Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
– Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
– …???
– Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
– Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
– Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
– Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
– Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
– Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
– Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
– Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
– Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
– Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
– Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
– Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
– Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
– Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
– Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
– Ối ông cũng có vợ con?
– Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
– Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?

Trộm đào hầm xuyên thẳng vào ngân hàng


Bọn cướp táo tợn đào hẳn đường hầm băng qua đường, đột nhập vào một ngân hàng ở trung tâm thủ đô Paris để lấy đi 200 két sắt.

Vào đêm thứ 7 tuần trước, một nhóm trộm đã đào đường hầm băng qua đại lộ Avenue de l’Opera, xuyên thẳng vào hầm của chi nhánh ngân hàng Crédit Lyonnais SA tại trung tâm thủ đô Paris. Sau khi khống chế nhân viên an ninh, chúng mất vài tiếng đồng hồ để phá thành công cửa khu vực để két sắt, lấy đi mọi tài sản bên trong. Trước khi bỏ đi, bọn trộm không quên phóng hỏa nhằm phi tang mọi dấu vết.

Đến khoảng 7h sáng Chủ nhật, nhân viên an ninh cố xoay xở để rung chuông báo động nhưng hệ thống bị bọn cướp vô hiệu hóa từ trước. Vụ cháy cũng khiến cơ quan an ninh khá vất vả dựng lại hiện trường và chỉ có thể bắt đầu điều tra từ sáng thứ hai. Một điều tra viên không giấu nổi lời khen dành cho bọn trộm này là “rất chuyên nghiệp”, Wall Street Journal cho biết.

Chi nhánh của Ngân hàng Crédit Lyonnais SA nằm ngay gần nhà hát opera Opéra Garnier, đang trong quá trình nâng cấp. Vào thời điểm xảy ra sự việc, chỉ có một nhân viên an ninh tức trực. Sau khi tỉnh lại, nhân viên này cho biết bọn trộm có thể gồm 3 tên. Trong khi đó, một số nhân chứng cho AFP biết họ nhìn thấy 4 đến 5 người đàn ông rời khỏi khu vực ngân hàng trên một chiếc xe tải trong thời gian đó. Theo người phát ngôn của ngân hàng, họ đang ước tính thiệt hại do bọn trộm gây ra, bao gồm những tài sản bị mất và bị cháy.

Sự việc này gợi nhớ đến vụ trộm ‘Spaggiari Affair” nổi tiếng cách đây 30 năm. Hồi 1976, bọn trộm đã dành tới 3 tháng trời để đào một đường hầm vào ngân hàng Société Générale ở thành phố Nice, lấy đi 50 triệu francs. Nếu quy theo tỷ giá lúc Pháp gia nhập khu vực đồng tiền chung, số tiền này tương đương 7,6 triệu euro.